Mất ngủ hậu Covid

Một số mẹo giúp bạn ngủ ngon giấc như thư giãn 1-2 tiếng trước khi đi ngủ, thiền, đọc sách; tránh rượu, cà phê, thuốc lá; đến bệnh viện khám nếu tình trạng kéo dài.

Các chuyên gia bộ môn Kỹ thuật Phục hồi chức năng, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết khó ngủ, mất ngủ là triệu chứng phổ biến ở người bệnh hậu Covid. Để khắc phục tình trạng này, mỗi người cần tự đánh giá chất lượng giấc ngủ bản thân, so sánh giữa trước đây và hiện tại. Ví dụ, bạn đánh giá xem trước đây thường đi ngủ lúc mấy giờ, ngủ mấy tiếng, giấc ngủ có bị gián đoạn, lúc dậy có cảm thấy mệt không, còn hiện tại thì như thế nào, những điều gì đang ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ…

Bác sĩ Trịnh Thị Diệu Thường (Trưởng Cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM) cho biết thiếu ngủ, ngủ không ngon khiến chất lượng cuộc sống giảm sút (gia tăng mệt mỏi, giảm minh mẫn, buồn ngủ vào ban ngày, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, căng thẳng lo âu…), dẫn đến trầm cảm, các bệnh lý tâm thần khác và cả nguy cơ tai nạn. Mất ngủ còn làm tăng kích hoạt hệ thần kinh, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim), tiểu đường, tổn hại gan, hệ tiêu hóa hoạt động kém, da nhanh lão hóa và sạm da, yếu sinh lý.

Người bệnh cần được tìm ra nguyên nhân mất ngủ mới có thể điều trị dứt điểm, tránh tái phát. Các bác sĩ phối hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau, như y học cổ truyền, trị liệu hành vi, vệ sinh giấc ngủ, kiểm soát kích thích, thư giãn, điều trị nhận thức và dùng thuốc. Nhiều người tự mua thuốc điều trị, lạm dụng thuốc, nhờn thuốc, lệ thuộc vào thuốc gây khó khăn trong việc điều trị sau này, bác sĩ Thường nói.

Theo chuyên gia, thức dậy vào cùng thời điểm mỗi ngày rất quan trọng. Thời điểm thức dậy được xem là chìa khóa điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể. Sau khi thức dậy nên mở cửa sổ, rèm để tìm ánh sáng ngày mới. Ánh sáng là yếu tố điều hòa nhịp thức ngủ mạnh nhất.

Nên hạn chế xem các thiết bị điện tử vào 1-2 giờ trước khi đi ngủ. Tránh thức khuya và ngủ bù. Nhiều người có thói quen thức khuya để làm việc và học, sau đó ngủ bù ngày hôm sau. Đây là thói quen xấu có hại cho sức khỏe cần tránh. Nếu bạn có một đêm không ngon giấc vẫn nên thức dậy cùng thời điểm như mọi ngày, không nên ngủ nướng và đừng cố gắng đi ngủ sớm hơn vào đêm hôm sau. Khi trằn trọc mãi không ngủ được, đừng ép mình vào giấc ngủ mà hãy ngủ lúc đã sẵn sàng.

Một số mẹo giúp bạn ngủ ngon giấc hơn như thư giãn 1-2 tiếng trước khi đi ngủ, thiền, đọc sách… Tránh rượu, cà phê, thuốc lá. Duy trì lịch trình thức dậy, đi ngủ đều đặn trong 1-2 tuần để vào nề nếp, có thể ghi chú lại để theo dõi và đánh giá.

“Nếu bị mất ngủ kéo dài, cần đến bệnh viện khám, chẩn đoán nguyên nhân và lên phác đồ điều trị phù hợp. Ngoài thuốc, người bệnh cần được ổn định tâm lý, vận động thường xuyên, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, quản lý tốt các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường… để cải thiện tình trạng mất ngủ”, bác sĩ Thường khuyến cáo.