Thoái hóa khớp: Nỗi ám ảnh của dân văn phòng

Rất nhiều người cho rằng thoái hóa xương khớp là bệnh của người lớn tuổi từ 45 tuổi lên. Thực tế tình trạng thoái hóa xương khớp có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Các nghiên cứu về quá trình phát triển con người đã chỉ ra lứa tuổi con người “bước qua bên kia sườn dốc” để bắt đầu tiến trình thoái hóa là khoảng 27 tuổi. Mặc dù vậy, đây cũng chỉ là con số tham khảo, nếu tinh ý chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những người có chung một độ tuổi nhưng tình trạng thể chất, sức khỏe rất khác nhau. Cùng 30 tuổi, có những người rất khỏe mạnh, có những người bị rất nhiều bệnh lý xương khớp như nhức mỏi cổ vai, đau lưng,…

Điều đó chứng tỏ, mỗi con người có một “tuổi sinh lý” riêng, đây chính là tuổi của tế bào, của mô cơ thể. “Tuổi sinh lý” phụ thuộc phần nào vào cơ địa và độ tuổi nhưng chủ yếu được quyết định bởi một số yếu tố như tâm lý (thoải mái hay thường xuyên chịu áp lực cuộc sống, công việc,…), chế độ dinh dưỡng – nội tiết (béo phì, mãn kinh, tiểu đường), tính chất công việc, thói quen sinh hoạt. Tất nhiên mức độ ảnh hưởng của các yếu tố trên lên các hệ cơ quan, bộ phận cơ thể là khác nhau và gây ra những tình trạng khác nhau.

Thoái hoá xương khớp là gì?

Thoái hoá (lão hoá) nói chung và thoái hoá xương khớp nói riêng thường không được xem là một bệnh mà là một tình trạng. Các bác sĩ không thể chữa khỏi vì đây là một tiến trình tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, chúng ta có thể cải thiện được tình trạng và kéo dài tiến trình này.

Thoái hóa xương khớp là tiến trình tự nhiên của cơ thể

Thoái hóa xương khớp là tình trạng tổn thương sụn, xương dưới sụn và giảm thiếu chất lượng dịch khớp. Bình thường, sụn khớp nguyên vẹn, trơn láng và cấu trúc xương dưới sụn ổn định. Khi khớp bị thoái hóa, sụn khớp bị bào mòn, xù xì, nặng hơn có thể trơ ra đầu xương dưới sụn, đồng thời vùng xương dưới sụn cũng thay đổi cấu trúc dẫn đến phản ứng tạo các chất gây viêm, xuất hiện các triệu chứng như đau, sưng, giảm vận động.

Thoái hoá xương khớp không nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Từ những dấu hiệu dễ nhận biết như: Đau mỏi vai gáy, đau lưng, tê tay chân, đau đầu hay đau nửa đầu, người bệnh cần được thăm khám và điều trị sớm. Nếu để kéo dài, bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như: yếu liệt các chi, tay chân mất cảm giác do tổn thương thần kinh, từ đó dẫn đến những khó khăn trong vận động, di chuyển, sinh hoạt và làm việc.

Vì sao dân văn phòng thường bị thoái hoá xương khớp sớm?

Do tính chất công việc, nhân viên văn phòng thường phải làm việc liên tục với máy vi tính, thời gian ngồi làm việc có thể kéo dài hơn 8 giờ một ngày, môi trường làm việc chủ yếu trong phòng máy lạnh không tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên. Ngoài ra, với cách sắp đặt nơi làm việc chưa phù hợp với thể trạng cơ thể (màn hình máy tính có thể quá cao hoặc quá thấp), sử dụng điện thoai, máy tính bảng liên tục trong một tư thế, lười vận động hay lười đứng dậy từ ghế là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc thoái hoá xương khớp ở giới văn phòng.

alt image

Thoái hóa xương khớp – nỗi ám ảnh của dân văn phòng

Dân văn phòng ngồi nhiều dễ bị thoái hóa xương khớp

Mỗi hệ cơ quan trong cơ thể kể cả xương khớp chỉ làm việc tốt và duy trì khả năng làm việc trong một thời gian cũng như điều kiện nhất định. Chính vì ngồi quá lâu, làm việc liên tục, lối sống ít vận động gây ra sự quá tải cho hệ xương khớp dẫn đến tình trạng thoái hoá sớm. Không khó để nhận ra bệnh nhân đến với các phòng khám cơ xương khớp ngày càng nhiều và càng trẻ hoá, trong số những bệnh nhân trẻ đa phần là giới văn phòng.

Để phòng tránh thoái hoá xương khớp, người dân cần lưu ý:

– Sau khi ngồi làm việc khoảng 45 phút hãy đứng lên, đi lại và vận động nhẹ nhàng. Điều này không chỉ giúp hệ cơ xương khớp được giảm tải mà còn giúp cho não bộ thư giãn, tăng hiệu suất công việc.

– Uống đủ nước ngay cả khi không khát, trung bình 2 lít/ngày. Nước là thành phần quan trọng trong cấu trúc xương và các cơ quan khác trong cơ thể.

– Giữ chế độ dinh dưỡng cân bằng, tránh lạm dụng rượu bia.

– Cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Giữ tinh thần được vui vẻ, thoải mái là phương pháp tốt nhất để phòng tránh thoái hoá sớm.